Bước Một Chân Vào Trái Tim Anh, Thế Có Được Không
Chương 11:
Thịt có thể không ăn, nhưng thầy kép không đến dạy, kéo dài cho đến lúc bà lớn về, kiểm tra, không thấy tiến bộ, có khi nào lại giống mấy đào tập sự, thành đào rượu hầu rượu hầu giường cho khách. Sớm biết vậy ngậm miệng giả ngu có phải an lành không. Đang suy nghĩ bỗng thấy gian sau ồn ào, thêm tiếng chân chạy bình bịch. Trong lòng Thái Vy tự dưng thấy thấp thỏm. Với lấy cái khăn lụa tím khoác lên vai, bước chân cô bỗng loạn lên khi thấy nằm giữa nhà là cái Tí, toàn thân ướt nhẹp, mặt trắng bệch, hai mắt nhắm nghiền. Bọn người hầu thấy cô hoang mang đứng chết trân bên ngoài thỳ vội tản ra nhường đường:
- Chuyện gì? Làm sao ra cớ sự này?
Một thằng hầu chừng tám, chín tuổi run run:
- Dạ bẩm..thưa…hồi trưa con với chị Tí trong lúc cho trâu nghỉ, chạy đi mò ốc bên cái ao gần đó, mỗi người đầu, chỉ men gần bờ thôi, nhưng lúc sau con quay sang thỳ không thấy chị Tí, con sợ quá hô…
- Thôi đủ rồi…
Thái Vy không muốn nghe nhiều, chừng đó là đủ rồi, con nhỏ đói quá, đi mò cua mò ốc tranh thủ nướng ăn. Nhưng mệt quá đuối nước. Cô thấy hai má nóng hổi, tội nghiệp em, chết cũng không được no, ôm cái bụng trống rỗng xuống âm phủ.
- Việc này ai là người lo?
Thằng hầu nhanh nhảu:
- Dạ bẩm, thằng Khoai.
- Khoai đâu?
- Dạ có con.
Thái Vy móc ra hai đồng, vừa rồi bà lớn có cho cô năm đồng, nói là ăn vặt trong tháng. Nhưng cô không có cái thú ấy. Vẫn nghĩ để phòng thân hơn, bây giờ là lúc cần dùng. Nhét hai tờ giấy bạc vào tay thằng Khoai, cô nhẹ nhàng:
- Lo hậu sự cái Tí cho tốt, phần mộ ở nghĩa trang nào, nhớ cho kĩ, báo cho ta.
- Bẩm cô, nếu chôn ở nghĩa trang, nhiêu đây không đủ.
- Vậy bao nhiêu?
- Thêm hai đồng nữa ạ.
Thái Vy móc thêm hai tờ đưa cho thằng hầu, lặng nhìn cái Tí lần cuối rồi trở về phòng. Cô thấy lòng lạnh lẽo. Kể ra thời gian ở cùng con bé không dài, nhưng con bé chất phác, tính tình hiếu động, lại đối với cô thật lòng. Cô xem nó như em gái, miệng nói bảo vệ nó, nhưng cuối cùng nó chết cũng chả tử tế.
Mất thêm một đồng dò hỏi, cuối cùng cũng biết cái Tí bị bỏ đói, lại làm việc suốt, nó vẫn tiện đường thỳ hái quả dại, mò ốc ăn. Rồi mới xảy ra cơ sự trên. Nhưng một câu nó cũng không báo với cô, con bé này rất ngốc mà, coi cái mạng mình rẻ như vậy. Nước mắt lại trào ra, con hầu ngốc, sao em không nói với ta, cho dù ta ăn cơm rau, nhưng cho em ăn cơm trắng hay vài củ khoai cũng không có làm khó ta mà.
oOo
Vốn định tự mình tập ca, tập phách, nhưng việc cái Tí khiến cô mất tinh thần, thành ra tính từ ngày bà lớn đi đến giờ vừa chẵn tám ngày, cô không động gì đến phách cả. Tiếp tục buồn rầu không phải là cách. Tối nay, khi mọi người tập trung ở dãy trước, lo việc tiếp khách. Một mình Thái Vy lặng lẽ dựa cột hiên, mông lung nhin ra xa, một mảng trời đen kịt, cô bỗng thấy nhớ bà, không biết giờ này bà sống như thế nào. Cô lôi bộ phách ra, vừa nhịp vừa hát:
“Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co quanh co
Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô…”
- Sao cô không hát tiếp?
Thái Vy giật mình, thầy kép đứng ngoài cửa mỉm cười nhìn cô. Thái Vy cười khổ:
- Tôi còn tưởng thầy không đến nữa.
Kéo cái ghế dài, thầy kép đặt đàn lên, rồi cũng ngồi kế bên, hướng vào trong nói:
- Nhiều ngày trước có con sen chạy đến báo cô bệnh, muốn nghỉ vài ngày, bảo khi nào khỏi thỳ cho người tới báo, tôi chờ mãi, thấy có gì không ổn nên hôm nay qua xem thử.
Thái Vy cười nhạt:
- Ra vậy.
Chỉnh trang lại vạt áo dài, khoác thêm cái khăn lụa, Thái Vy lấy phách rồi ngồi cạnh thầy kép.
- Tôi đến đây không thấy cái Tí dẫn đường, có hỏi qua mới biết, tội con bé quá.
Thái Vy im lặng không nói. Ngồi xếp bằng hai chân, cầm phách nhịp xuống. Không vần không điệu gì cả.
- Ban nãy tôi có nghe cô ca một đoạn, cảm thấy rất hay, là cô sáng tác à?
- Cũng có thể xem là vậy.